Đồng chí Võ Chí Công, tên thật là Võ Toàn, sinh ngày 07 tháng 8 năm 1912 tại làng Tam Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ nay là thôn Khương Mỹ - xã Tam Xuân 1- huyện Núi Thành - tỉnh Quảng Nam. Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1930, vào Đảng tháng 5 năm 1935. Và Ông qua đời lúc 7h17 ngày 8 tháng 9 năm 2011 tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, không lâu sau lễ mừng thọ 100 tuổi.
Thân phụ ông là cụ Võ Nghiệm, một nhà nho yêu nước, về sau cũng là một đảng viên được nhà nước Việt Nam truy tặng là liệt sỹ. Thân mẫu ông là Nguyễn Thị Thân, về sau được nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng Cộng Sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ năm 1987 đến 1992.
1. Nhà tưởng niệm
Nhà tưởng niệm được xây dựng trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Dù là công trình mới nhưng vẫn giữ phong cách kiến trúc truyền thống của nhà đồng bằng Trung Bộ: kiểu nhà ba gian, bên trên được lớp ngói đỏ âm dương, bên trong phần chính diện đặt bức tượng chân dung Bác Võ Chí Công đặt trên bục cao được chạm khắc trông rất uy nghi, phía sau tượng là phông sơn màu vàng làm tăng thể vẻ trang nghiêm của chính diện, ngày trước tượng Bác là bàn hương án dùng đặt lư hương, hoa quả, hai bên tường được trang trí với họa tiết hình hoa sen thể hiện sự giản dị, mộc mạc. Xung quanh nhà tưởng niệm được bọc bởi hành lang thông với nhà trưng bày.
2. Nhà trưng bày
Nhà trưng bày giới thiệu thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công. Nội thất phần trưng bày giới thiệu hơn 50 hình ảnh: hình ảnh Chủ tịch Võ Chí Công vui chơi, múa hát với các cháu nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1/6/1992, hơn 200 hiện vật gốc minh chứng các sự kiện lịch sử gắn liền với Bác Công trong lúc hoạt động cách mạng như:, những đồ dùng cá nhân trong quá trình của Bác Công, Bàn làm việc, bàn tiếp khách,…
3. Nhà thờ, nhà lưu niệm
Thuộc thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1 – huyện Núi Thành, nhà được mô phỏng theo nhà truyền thống Quảng Nam, ba gian, hai mái, trụ cột bằng gỗ, chính giữa đặt bàn thờ, hai gian hai bên, một bên là bộ bàn ghế xưa được bảo tàng tặng, một bên là chiếc giường bằng gỗ và một chiếc gương mặt trên được sử dụng như chiếc giường, bên trong là dụng cụ để đựng lúa của gia đình Bác Công ngày xưa. Nhân kỉ niệm ngày khánh thành nhà lưu niệm, đồng chí Trương Tấn Sang Chủ tịch nước đã trồng cây đa lưu niệm.
Phía trước nhà thờ được trồng hai cây hoa ngọc lan, là loài hoa tỏa ra hương thơm mà bác Công rất thích để tưởng nhớ đến Bác. Ngoài ra, xung quanh nhà thờ còn được trồng nhiều loài cây khác như sứ đại, thiên tuế, dừa, cau...tạo nên một không gian vừa bình dị, vừa tôn nghiêm cho khu lưu niệm. Đây là nơi vừa giáo dục truyền thống vừa là công trình văn hóa thân thiện, tạo cảnh quan kiến trúc đẹp nhằm thu hút đông đảo cán bộ, chiến sỹ, học sinh sinh viên, nhân dân trong tỉnh và cả nước đến thăm viếng, học tập, nơi tổ chức các hoạt động truyền thống, về nguồn cũng là nơi tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ,…
Nhà lưu niệm là công trình có ý nghĩa to lớn, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Khu lưu niệm được hoàn thành, là sự tri ân của Đảng, Nhà nước, sự biết ơn của các thế hệ hôm nay đối với thế hệ đi trước trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương, đất nước. Đến nay đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, đây không chỉ là di tích cấp quốc gia, mà còn là một “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ tìm về nhận diện truyền thống, tiếp nối chí hướng cha ông.